Latest Post

Bến xe Mỹ Đình sẽ phải cắt hơn 500 chuyến xe/ ngày

Theo phương án mới nhất của Sở GTVT Hà Nội , việc điều chỉnh luồng tuyến vận tải khách liên tỉnh sẽ được thực hiện từ ngày 2-1-2017. Tất cả các bến xe đều có các tuyến bị điều chỉnh đi hoặc đến tùy theo cung đường, hướng tuyến. Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết: "Đây được xem là giải pháp khẩn cấp để thành phố Hà Nội giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, phục vụ cho nhân dân đi lại trong dịp Tết một cách thuận lợi nhất".

Cũng theo lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội, có thể việc điều chuyển sẽ ảnh hưởng đến một bộ phận doanh nghiệp, người dân nhưng thực hiện việc điều chuyển sẽ đảm bảo chung cho trật tự ATGT của thành phố Hà Nội, phục vụ người dân Thủ đô và người dân các tỉnh khi tham gia giao thông thuận lợi an toàn hơn.

Phương án điều chuyển tổng thể lần này đã được Sở GTVT phối hợp với CATP Hà Nội, Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Bộ GTVT nghiên cứu thực hiện. Hiện tại, Sở GTVT đã hoàn tất công tác chuẩn bị và phương án, trình UBND TP Hà Nội, báo cáo Bộ GTVT, thông báo đến UBND các tỉnh, thành phố có xe đến Hà Nội, đồng thời thông báo đến các Hiệp hội vận tải, các doanh nghiệp vận tải các tỉnh, thành phố để cùng thực hiện. 

Việc điều chuyển sẽ tập trung vào các tuyến ở các bến có nguy cơ ùn  tắc, trong đó tập trung 3 bến chính gồm bến xe Mỹ Đình, bến xe Giáp Bát và bến xe Nước Ngầm. Bến xe Yên Nghĩa và Gia Lâm về cơ bản chỉ điều chuyển một số tuyến, còn lại giữ nguyên.

Mặc dù đã có phương án để "cắt tuyến" và đón các tuyến xe mới về bến theo quy hoạch luồng tuyến của Sở GTVT nhưng nhiều bến xe cũng khá "tâm tư" trước giờ G. 

Đại diện bến xe Mỹ Đình cho hay, nếu thực hiện điều chuyển đúng như tinh thần của Sở GTVT Hà Nội vừa công bố, các tuyến xe đi Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Đắk Lắk, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh sẽ phải chuyển sang bến xe Nước Ngầm. Ước tính, số tuyến xe sẽ phải điều chuyển là hơn 500 chuyến/ngày. Trong đó, một số tuyến có số lượng xe chạy rất lớn như Nam Định, Thanh Hóa, nếu chuyển đi hết cùng một lúc sẽ gây một sự xáo trộn không nhỏ cho doanh nghiệp vận tải và người dân. 

Ngoài ra, cũng theo đại diện bến xe Mỹ Đình, việc điều chuyển luồng tuyến lần này là rất lớn nên thực hiện theo từng giai đoạn; có thể giai đoạn 1 chuyển toàn bộ xe đang hoạt động tại bến đi Đắk Lắk, Nghệ An và các giai đoạn sau thực hiện điều chuyển các tuyến còn lại. "Như vậy vừa tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi bến hoạt động cũng như bến có thời gian sắp xếp, ổn định lại, tiếp nhận các tuyến xe mới chuyển từ nơi khác về", đại diện bến xe Mỹ Đình bày tỏ.

Tương tự, bến xe Yên Nghĩa hiện có hơn 500 chuyến xe/ngày. Sau đợt điều chỉnh này chỉ còn khoảng 300 chuyến. Trong khi đó, công suất bến có thể đáp ứng được khoảng 1.500 chuyến/ngày. Theo đại diện bến xe này, việc các xe điều chuyển đến và đi sẽ không ảnh hưởng nhiều đến việc sắp xếp điểm đỗ, đón khách, bán vé cũng như ký kết hợp đồng với các đơn vị vận tải. "Việc giảm công suất sẽ khiến bến gặp khó khăn, tuy nhiên đây là chủ trương của Sở GTVT nên bến sẽ chấp hành nghiêm", đại diện bến xe Yên Nghĩa bày tỏ.  

Trong đợt điều chỉnh này, bến xe duy nhất sẽ tăng lượng xe hoạt động là bến xe Nước Ngầm. Theo đó, sau khi điều chỉnh, sắp xếp lại, bến xe này sẽ tăng gấp đôi số xe so với hiện nay. Lãnh đạo bến xe Nước Ngầm cho biết, bến này có thể đáp ứng được 1.100 xe/ngày, và với lượng 900 xe/ngày sau điều chỉnh, bến hoàn toàn có thể đáp ứng được.

Tuy vậy, bến xe Nước Ngầm nằm lại tại vị trí ngã ba Pháp Vân - Giải Phóng, nơi thường xuyên xảy ra ùn tắc nên việc tăng tần suất bến lên gấp đôi so với hiện nay cũng rất dễ dẫn đến nguy cơ ùn tắc nghiêm trọng hơn nếu không được phân luồng, điều tiết hợp lý.

Ngân Tuyền (ANTĐ)

Google Tìm Xe Tìm đường tới Tìm Xe Hình ảnh Tìm Xe

Sở GTVT Hà Nội cho biết, cầu vượt Ô Đông Mác - Nguyễn Khoái được xây dựng bằng kết cấu thép theo hướng vành đai 1, chiều dài cầu 232m, phần cầu chính gồm 4 nhịp, với chiều rộng cầu là 12m. Tổng mức đầu tư là hơn 166 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng gần 135 tỷ đồng.

Phát biểu tại lễ thông xe sáng nay, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, nút giao Ô Đông Mác - Nguyễn Khoái là một trong những nút giao phức tạp, có mật độ phương tiện qua lại lớn nhất Hà Nội.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, lãnh đạo Bộ GTVT, Ủy ban ATGT quốc gia và lãnh đạo UBND TP Hà Nội cắt băng khánh thành cầu vượt Ô Đông Mác - Nguyễn Khoái

Sau gần 7 tháng thi công liên tục, công trình đã hoàn thành trước tiến độ đề ra, giúp cải thiện tình hình ùn tắc giao thông kéo dài nhiều năm của khu vực, kết nối với đường Vành đai 1, Đại Cồ Việt… tạo nên một trục giao thông đồng bộ, thông thoáng; giảm tối đa ùn tắc cho khu vực.

"Đây là 1 trong 8 công trình giao thông cấp bách của thành phố. Đồng thời cũng là một trong những công trình có thời gian hoàn thành nhanh chóng so với tiến độ đề ra. Ngoài các yêu cầu về kỹ thuật còn là công trình có ý nghĩa về mặt kiến trúc, cảnh quan trong đô thị. Các hạng mục công trình được xây dựng đồng bộ với quy hoạch chung của Thủ đô, khớp nối với tuyến đường sắt đô thị số 3 từ Lò Đúc sang Kim Ngưu ở khu vực nút giao", Chủ tịch UBND TP thông tin.

Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cũng đề nghị, Sở GTVT tổ chức bàn giao ngay cho đơn vị quản lý để thực hiện duy tu, duy trì đảm bảo an toàn giao thông ngay sau khi đưa công trình cầu vượt vào khai thác sử dụng; phối hợp với Công an Thành phố theo dõi tình hình giao thông đi lại của khu vực sau khi thông xe để kịp thời có phương án tổ chức giao thông hợp lý, đảm bảo phát huy tối đa hiệu quả đầu tư; thực hiện quyết toán hoàn thành công trình sau đầu tư theo quy định.

Cầu vượt Ô Đông Mác - Nguyễn Khoái cấm các loại xe tải lưu thông

Theo phương án phân luồng của Sở GTVT, sẽ tổ chức giao thông 2 chiều cho các phương tiện (trừ các loại xe tải, xe đạp, người đi bộ) lưu thông trên cầu vượt tại nút giao Ô Đông Mác - Nguyễn Khóa đồng thời tổ chức giao thông một chiều cho xe ôtô trên đường Lương Yên theo hướng và đoạn từ Vân Đồn đi Trần Khát Chân.

Các hướng phương tiện khác có nhu cầu qua nút giao Ô Đông Mác - Nguyễn Khoái (giao giữa đường vành đai 1 với đường Lò Đúc, Kim Ngưu) lưu thông theo hướng dẫn của hệ thống đèn tín hiệu giao thông, sơn kẻ, biển báo hướng dẫn giao thông trên mặt đường hiện trạng.

Ngân Tuyền (ANTĐ)

Google Tìm Xe Tìm đường tới Tìm Xe Hình ảnh Tìm Xe

Tại Hội nghị an toàn giao thông toàn quốc diễn ra sáng 22-12, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu, phải tìm ra căn nguyên, nguyên nhân gốc của TNGT để kéo giảm TNGT trong thời gian tới. 

Xe điện thí điểm trong khu vực hạn chế vẫn chạy ra đường giao thông công cộng

Nửa triệu người bị tước giấy phép lái xe

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết, những năm qua, TNGT liên tục được kéo giảm cả về số vụ, số người chết và số người bị thương. Đặc biệt, trong giai đoạn 2011-2015, số người chết do TNGT đã giảm trên 12.500 người so với giai đoạn 2006-2010; năm 2016 TNGT vẫn tiếp tục được kéo giảm cả 3 tiêu chí.

Tuy nhiên, trật tự ATGT ở Việt Nam vẫn còn diễn biến phức tạp, TNGT vẫn ở mức cao. Mỗi ngày, trung bình còn 24 người chết và gần 60 người bị thương tật vĩnh viễn do TNGT. "Thực tế này đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, từ hoàn thiện thể chế pháp luật, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, nâng cao năng lực quản lý Nhà nước, xây dựng văn hóa giao thông để khắc phục, kiềm chế và đẩy lùi TNGT, ùn tắc giao thông", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Dù TNGT đang có xu hướng giảm, nhưng để giảm được 50% số người chết vào năm 2020 là một nhiệm vụ khó khăn, nhất là trong bối cảnh, phương tiện giao thông gia tăng nhanh chóng nhưng ý thức tham gia giao thông của người dân còn thấp, sự phối hợp giữa các bộ, ngành quản lý Nhà nước còn kém nhịp nhàng, hiệu quả. 

Thiếu tướng Trần Sơn Hà, Cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an) cho rằng, theo thống kê, có đến nửa triệu người bị tước Giấy phép lái xe nhưng không đến giải quyết. "Điều này chứng tỏ, sự phối hợp giữa các đơn vị liên quan chưa tốt, vì vẫn có những trường hợp 1 người có đến 2-3 bằng lái xe hay xe đã hết hạn kiểm định nhưng vẫn lưu thông, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa…", Thiếu tướng Trần Sơn Hà nói.

Cục trưởng Cục CSGT cho rằng, Luật Giao thông đường bộ sửa đổi phải quy định rõ ràng trách nhiệm của từng bộ, ngành để tránh tình trạng "hầm bà lằng", không rõ trách nhiệm bên nào. Thiếu tướng Trần Sơn Hà đề xuất, với Luật Giao thông đường bộ sửa đổi lần này, có thể xem xét tách thành 2 luật: một luật về ATGT và một luật về đường bộ. 

Không nên phân biệt biển xanh - biển trắng

Liên quan đến quản lý phương tiện, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hội ATGT, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho rằng, nên xếp ô tô điện, xe máy điện vào phương tiện cơ giới đường bộ, bởi về tính chất vẫn là xe cơ giới đường bộ chở người, chỉ khác nhau là chạy bằng năng lượng khác. 

Đồng quan điểm này, Thiếu tướng Trần Sơn Hà thông tin, đang có hiện tượng doanh nghiệp lách luật để nhập phương tiện cơ giới đường bộ vào nội địa với cụm từ "chạy thí điểm". "Doanh nghiệp nhập khẩu ô tô về lại khai báo là nhập "khung, gầm gắn động cơ", hay phương tiện 4 bánh gắn động cơ, thực chất là ô tô và ô tô điện về để chạy thí điểm. Nhưng tại nhiều địa phương, xe điện chạy thí điểm trong khu hạn chế vẫn chạy ra cả đường giao thông công cộng. Đây là kẽ hở cho doanh nghiệp lách luật", Thiếu tướng Trần Sơn Hà nói. 

Ngoài ra, Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Lào Cai Trần Ngọc Sơn cho rằng,  luật cần quy định thống nhất một loại biển kiểm soát phương tiện giao thông trên toàn quốc. Hiện nay, người dân dùng biển kiểm soát màu trắng, trong khi lực lượng chức năng sử dụng xe biển xanh. "Pháp luật phải bình đẳng, mọi người đều có quyền như nhau, không thể để biển xanh ưu tiên hơn biển trắng…" - ông Trần Ngọc Sơn bày tỏ. 

Thiếu tướng Trần Sơn Hà cũng cho rằng, việc thống nhất một loại biển kiểm soát là cần thiết. "Sắp tới, nếu sửa đổi, bổ sung Luật Giao thông đường bộ, cần xem xét vấn đề này…", Thiếu tướng Trần Sơn Hà nói.

Ùn tắc giao thông hiện cũng đang là vấn đề nhức nhối tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng… Ông Nguyễn Hữu Cường, Chánh Văn phòng Ban ATGT Đà Nẵng cho biết, Đà Nẵng hiện có tới 800.00 xe máy, 62.000 ô tô và khoảng 5.000 xe máy, xe đạp điện gây áp lực rất lớn lên hạ tầng giao thông. "Đà Nẵng muốn xây dựng lộ trình để tiến tới từng bước hạn chế phương tiện cá nhân, giảm ùn tắc nhưng chưa biết căn cứ vào đâu, quy định nào cho đúng pháp luật và thuyết phục  người dân", ông Nguyễn Hữu Cường băn khoăn.

"Việc thống nhất một loại biển kiểm soát là cần thiết. Sắp tới, nếu sửa đổi, bổ sung Luật Giao thông đường bộ, cần xem xét vấn đề này".

Thiếu tướng Trần Sơn Hà, Cục trưởng Cục CSGT - Bộ Công an

Ngân Tuyền (ANTĐ)

Giao Thông Nguyên Nhân

Google Tìm Xe Tìm đường tới Tìm Xe Hình ảnh Tìm Xe

Nhiều mẫu xe có giá giảm sâu tới hơn 100 triệu đồng

Nhiều dòng xe giảm giá mạnh

Trường Hải hiện là doanh nghiệp có mức giảm giá sâu nhất khi có những mẫu xe giảm giá tới 170 triệu đồng. Cụ thể, phiên bản Mazda6 2.0 sau 2 đợt giảm giá liên tiếp cuối tháng 11 và đầu tháng 12 đã được giảm giá tổng cộng 125 triệu đồng so với mức giá niêm yết là 965 triệu đồng (hiện tại được bán với giá 840 triệu đồng). Đặc biệt, phiên bản Mazda6 2.5 còn được giảm tới 170 triệu đồng trong tháng 12, kéo giá bán xe từ 1,119 tỷ đồng xuống 949 triệu đồng. Mazda CX-5 cũng giảm từ 80 đến 90 triệu đồng; một số mẫu xe Kia giảm trên dưới 100 triệu đồng.

Không chịu thua kém, một số hãng xe khác cũng có nhiều chương trình giảm giá, khuyến mại để kích cầu mua sắm ô tô cuối năm. Chẳng hạn, Ford có mức ưu đãi từ 20 đến 60 triệu đồng tùy từng dòng xe: Ford Ranger được ưu đãi từ 30-40 triệu đồng, tùy phiên bản; Ford Focus, Fiesta và EcoSport có mức giảm giá từ 20 đến 60 triệu đồng... Toyota giảm khoảng 24-40 triệu đồng, tùy từng mẫu xe. Một số mẫu xe Nissan cũng có mức khuyến mãi khoảng 40 triệu đồng.

Thời điểm này, nhiều đại lý ráo riết khuyên khách hàng nên đặt cọc tiền mua xe trong tháng 12-2016 vì đây là thời điểm giảm giá sâu nhất. Đến đầu năm 2017, giá có thể tăng trở lại. 

Về việc các hãng giảm giá ô tô dịp cuối năm, ông Lê Tôn Quý, Giám đốc Nissan Kinh đô cho rằng, có thể một số hãng muốn chạy doanh số cuối năm. Ông Ninh Hữu Chấn, Tổng Thư ký Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cũng cho rằng, đây là chiến dịch của các doanh nghiệp để tăng doanh số thời điểm cuối năm. "Nhiều khách hàng có tâm lý chờ đến đầu năm tới để thuế giảm, vì vậy doanh nghiệp giảm giá mạnh vào thời điểm này để kích cầu, còn hơn là để tồn đến sang năm" - ông Ninh Hữu Chấn cho biết.

Cân nhắc nhiều yếu tố

Giá xe giảm mạnh khiến người tiêu dùng được hưởng lợi. Tuy nhiên, việc giá xe giảm sâu và trong khoảng thời gian rất ngắn đã khiến những khách hàng mua xe trước đó thiệt thòi. "Tất nhiên hãng xe có quyền, nhưng rõ ràng khách hàng mua xe trước đó bị thiệt thòi, vì có những người mua tuần trước, tuần sau mất cả trăm triệu đồng. Nếu sang năm họ ra một mẫu xe mới thì mẫu xe cũ còn mất giá nữa" - ông Lê Tôn Quý nói. 

Các chuyên gia cũng cho rằng, xu hướng ô tô giảm giá trong những năm tới là điều chắc chắn, bởi các mức thuế sẽ giảm sâu. Ngay từ thời điểm 1-1-2017, thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ ASEAN về Việt Nam cũng sẽ giảm xuống còn 30%, một vài hãng đã tính đến việc nhập khẩu một số mẫu xe thay vì lắp ráp trong nước. Chính vì thông tin này, không ít người tiêu dùng có tâm lý chờ đợi.

Theo ông Ninh Hữu Chấn, nếu người dân muốn mua những mẫu xe hiện đã giảm giá sâu thì thời điểm này là thích hợp vì giá khó giảm thêm. "Tuy nhiên, với những xe chưa giảm giá thì có thể chờ xem sao, vì rất có thể sang năm 2017 sẽ giảm giá thành theo lộ trình giảm thuế" - ông Ninh Hữu Chấn khuyên.

Một số chuyên gia lại cho rằng, trên thực tế, một số mẫu xe giảm giá "khủng" hầu hết là những phiên bản sắp được thay thế bằng phiên bản mới, hiện đại hơn và sử dụng động cơ tiêu chuẩn Euro 4. Vì vậy, nếu người tiêu dùng định mua cũng cần cân nhắc yếu tố này.

Hà Loan (ANTĐ)

Ô Tô Giao Thông Thuế

Google Tìm Xe Tìm đường tới Tìm Xe Hình ảnh Tìm Xe

Đáp lại lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch, quân và dân Hà Nội đã chiến đấu kiên cường, bảo vệ Thủ đô yêu dấu

 Họ đã sống, đã hy sinh để bảo vệ mảnh đất "chôn nhau, cắt rốn"

Tinh thần "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh" thể hiện trên từng ngõ phố

...và cả trên những trận địa 

Chú bé liên lạc tại một trận địa

Chiến lũy tại trận địa chợ Đồng Xuân

 Quyết tử quân với bom ba càng

Một xe tăng của quân đội Pháp bị tiêu diệt tại Bắc Bộ Phủ

 Trải qua 60 ngày đêm chiến đấu kiên cường, anh dũng, sáng tạo, quân và dân Hà Nội đã đánh hàng trăm trận, làm tiêu hao nhiều sinh lực địch, giam chân chúng dài ngày trong thành phố

Nhận lệnh rút quân

Rút quân qua sông Hồng

Cập bến bờ bắc sông Hồng

 Những chiến công của quân và dân Hà Nội thời kỳ này và trong suốt 9 năm kháng chiến trường kỳ, đã góp phần làm nên chiến thắng "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" tại Điện Biên năm 1954. Trong ảnh là Trung đoàn Thủ đô trở về Hà Nội sau 9 năm kháng chiến

Trung đoàn Thủ đô sau cuộc chiến

* Kỳ tiếp: Chùm ảnh khó quên về Hà Nội mùa đông năm 1946 (4): Phố phường Hà Nội những năm kháng chiến

PV (ANTĐ)     

Google Tìm Xe Tìm đường tới Tìm Xe Hình ảnh Tìm Xe

Nhà chờ xe buýt BRT trên trục đường Lê Văn Lương

Hạn chế ô tô khách, xe hợp đồng trên tuyến

Liên quan đến phương án phân luồng cho tuyến buýt nhanh BRT, liên ngành CATP Hà Nội và Sở GTVT Hà Nội vừa có Tờ trình gửi UBND TP Hà Nội về việc xin chấp thuận phương án tổ chức giao thông để vận hành thử nghiệm tuyến xe buýt nhanh BRT (từ Kim Mã đến bến xe Yên Nghĩa).

Trong giai đoạn chạy thử nghiệm, số lượng xe đưa vào vận hành là 29 xe, tần suất hoạt động từ 3-5 phút/chuyến, tốc độ vận hành trung bình  22-30km/h, thời gian vận hành một lượt từ 45-55 phút. 

Để phân làn dành riêng cho xe buýt BRT, sẽ sơn vạch liền kết hợp đinh phản quang trên đường từ đoạn Ba La tới Cát Linh với chiều dài khoảng 12,2km. Các đoạn còn lại từ Giảng Võ đến Kim Mã, từ Yên Nghĩa tới Ba La, xe buýt BRT sẽ đi chung với các phương tiện khác. Các nút giao trên tuyến được tổ chức giao thông đi lại bằng hệ thống đèn tín hiệu, điều chỉnh chu kỳ đèn theo nguyên tắc ưu tiên cho hướng vận hành của xe BRT.

Tuy nhiên, liên ngành CATP và Sở GTVT cũng cho biết, trong quá trình vận hành thử nghiệm, sẽ tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh phương án tổ chức giao thông tại các nút và điều chỉnh pha đèn cho phù hợp tình hình thực tế.

Bên cạnh đó, sẽ có phương án tổ chức lại giao thông trên tuyến theo hướng ưu tiên cho xe buýt nhanh BRT. Liên ngành đề xuất đối với xe tải, ô tô chở hàng với khối lượng chuyên chở cho phép từ 500kg trở lên, xe khách, xe hợp đồng, sẽ cấm hoạt động trong giờ cao điểm (sáng 6h-9h, chiều 16h30-19h30) trên tuyến đường trục phía Bắc Hà Đông  (đoạn từ Lê Trọng Tấn đến nút Tố Hữu - Vạn Phúc).

Cùng với đó, sẽ cấm xe taxi trong giờ cao điểm (sáng 6h-9h, chiều 16h30-19h30) trên tuyến đường Giảng Võ - Láng Hạ - Lê Văn Lương (trừ các xe chở bệnh nhân cấp cứu, người già, người tàn tật, xe khắc phục sự cố được hoạt động bình thường). Các cơ quan, công ty, khách sạn, nhà hàng... trên hành lang BRT nếu có nhu cầu sử dụng xe taxi phải bố trí đầy đủ điểm đỗ và phải đăng ký logo phục vụ với Sở GTVT.

Ngoài ra, sẽ cấm dừng đỗ tất cả các phương tiện trên dọc tuyến đường hoạt động của BRT. Các phương tiện chỉ được phép dừng đỗ đón trả khách trên các tuyến đường ngang giao cắt với hành lang vận hành BRT hoặc tại các vị trí có bố trí sảnh đón trả khách nhằm hạn chế nguy cơ ùn tắc giao thông trên dọc tuyến BRT.

Các tuyến xe buýt thường đi trùng với hành lang hoạt động của tuyến BRT cũng sẽ được điều chỉnh, bố trí các điểm dừng đón trả khách của xe buýt thường trên các trục ngang giao cắt với hành lang tuyến BRT nhưng phải đảm bảo hành khách tiếp cận, kết nối thuận tiện với tuyến BRT. Các điểm trông giữ phương tiện giao thông cá nhân (xe đạp, xe máy) được bố trí trên hè gần khu vực nhà chờ hoặc các khu vực lân cận, đặc biệt là các khu vực có nhu cầu gửi xe lớn.

Giá vé dự kiến 7.000 đồng/lượt

Về phương án vận hành, Trung tâm quản lý điều hành giao thông đô thị Hà Nội (Tramoc) đã xây dựng và trình Sở GTVT Hà Nội xem xét. Theo phương án này, trước mắt, vé dùng cho xe buýt nhanh vẫn là vé thẻ giấy thông thường như vé xe buýt và được bán tại các điểm nhà chờ. Vé lượt dự kiến là 7.000 đồng/lượt. Vé tháng sẽ áp dụng như vé tháng của xe buýt thông thường. Nhân viên bán vé và kiểm tra vé trên xe. 

Khi tuyến buýt nhanh BRT có số hiệu 99 đi vào vận hành, sẽ điều chỉnh lộ trình tuyến buýt số 22 để giảm trùng lặp với tuyến BRT trên trục Giảng Võ - Láng Hạ - Lê Văn Lương. Ngoài ra, sẽ điều chỉnh 4 tuyến để tăng kết nối, mở rộng vùng phục vụ, gồm điều chỉnh lộ trình tuyến vòng gom khách số 09 (Bờ Hồ - Bờ Hồ) kết nối với tuyến BRT tại nhà chờ Vũ Ngọc Phan; điều chỉnh lộ trình tuyến vòng gom khách số 18 và tạo kết nối tại điểm đầu cuối tại nhà chờ Kim Mã; điều chỉnh tuyến 19 mở rộng vùng phục vụ tới Công viên Thiên Đường Bảo Sơn, Khu đô thị mới Dương Nội để gom khách cho tuyến BRT; điều chỉnh lộ trình tuyến buýt 50 để tăng cường kết nối với tuyến BRT và giảm trùng lặp với tuyến 22 sau khi điều chỉnh khỏi hành lang tuyến BRT.

Hiện nay, dọc tuyến BRT, có 44 điểm dừng đón trả khách các tuyến buýt thường. Để tăng cường khả năng kết nối, tạo thuận tiện cho hành khách chuyển tuyến, Tramoc đề xuất di chuyển 10 điểm dừng và bổ sung 10 điểm cho 2 chiều vận hành.

Ông Vũ Hà, Giám đốc Ban QLDA đầu tư phát triển giao thông đô thị, Sở GTVT cho hay, do đặc thù giao thông trên địa bàn Hà Nội nên phương án vận hành cũng như phương án tổ chức giao thông phải linh hoạt. Trả lời về việc làm thế nào để hạn chế phương tiện đi vào làn đường dành riêng cho buýt BRT, ông Vũ Hà cho biết, khi đã phân luồng thì phương tiện đi sai làn sẽ bị xử phạt.

Tại các nhà chờ dọc tuyến đều có lắp camera ghi lại hình ảnh để phạt nguội. Trong những tình huống cần thiết, lực lượng Cảnh sát giao thông có thể điều tiết, phân luồng phương tiện đi vào làn đường này để giải tỏa ùn tắc.

Cấm xe máy qua 2 cầu vượt Láng, Láng Hạ giờ cao điểm

Tại 2 cầu vượt (Láng Hạ - Huỳnh Thúc Kháng và Lê Văn Lương - Láng), sẽ có tín hiệu đèn ưu tiên cho xe BRT lên cầu nhằm giảm xung đột với các loại phương tiện cơ giới khác. Đồng thời, cấm các phương tiện mô tô, xe gắn máy, xe thô sơ đi trên 2 cầu vượt trong giờ cao điểm (sáng 6h-9h, chiều 16h30-19h30); cấm toàn bộ xe tải, xe ô tô chở hàng với khối lượng chuyên chở cho phép từ 500kg trở lên, lưu thông trên 2 cầu vượt.

Ngân Tuyền (ANTĐ)

 

Google Tìm Xe Tìm đường tới Tìm Xe Hình ảnh Tìm Xe

Ảnh minh họa

Theo đó, các đơn vị trên được yêu cầu tăng cường lực lượng đảm bảo an ninh, trật tự, phân làn, phân luồng và có các giải pháp phù hợp để trạm thu phí hoạt động liên tục, không để xảy ra ùn tắc, nhất là các trạm thu phí cửa ngõ ra vào các thành phố lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ chí Minh; tăng cường kiểm tra công tác tổ chức thu phí đảm bảo thu phí đúng quy định; mở barie giải tỏa phương tiện trong trường hợp xảy ra tắc đường trước khi vào trạm thu phí.

Bên cạnh đó, Tổng cục Đường bộ cũng giao các đơn vị liên quan thuộc Tổng cục phối hợp với các đơn vị thu phí, lực lượng Cảnh sát giao thông và các cơ quan chức năng địa phương, có biện pháp đảm bảo an toàn để các trạm thu phí hoạt động liên tục, an toàn và thông suốt.

Với các tuyến đường cửa ngõ các thành phố lớn, các Cục Quản lý đường bộ phối hợp với Sở Giao thông Vận tải, Cảnh sát giao thông xây dựng phương án phân luồng, tổ chức giao thông để các phương tiện lưu thông thuận lợi, an toàn.

Đối với các bến phà, cầu phao phải sửa sang đường lên xuống đảm bảo thuận lợi, đơn vị liên quan có kế hoạch huy động tối đa khả năng phương tiện, chất lượng tốt để đáp ứng yêu cầu vận chuyển khách và phương tiện, trang bị đầy đủ phao cứu sinh theo quy định, đảm bảo hoạt động thông suốt liên tục trong ngày với mục tiêu an toàn, thuận tiện, văn minh, trật tự và vệ sinh sạch sẽ…
Đặc biệt, các địa phương không cấp phép thi công các công trình thiết yếu trên đường đang khai thác trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Đinh Dậu.

Về công tác vận tải, Tổng cục yêu cầu Sở Giao thông Vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng kế hoạch tổng thể công tác phục vụ vận tải khách Tết tại địa phương; huy động phương tiện chuyển tải khách đối với các xe bị xử lý vi phạm vì chở khách quá số lượng cho phép; công khai niêm yết số điện thoại đường dây nóng trên xe; kiểm tra việc thực hiện kê khai, niêm yết giá cước vận chuyển và đảm bảo thu giá cước theo đúng quy định; xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng lượng hành khách tăng cao đột biến để tăng giá cước mức cao, chèn ép khách…

Lực lượng Thanh tra giao thông phối hợp chặt chẽ với các lực lượng tại bến xe để tiến hành kiểm tra phương tiện, người lái ngay tại các bến xe; kiên quyết không cho xuất bến đối với những phương tiện không đảm bảo điều kiện an toàn kỹ thuật, không đáp ứng đầy đủ điều kiện vận tải; những xe không bố trí đủ lái xe hoặc lái xe có sử dụng rượu, bia trước khi điều khiển phương tiện.

"Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (PC67) Công an thành phố Hà Nội vừa tổ chức triển khai đợt cao điểm tăng cường công tác chỉ huy, điều khiển giao thông, phòng ngừa ùn tắc và tai nạn giao thông phục vụ dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2017 trên địa bàn Hà Nội; huy động tối đa lực lượng tăng cường lực lượng cho các địa bàn có tình hình trật tự an toàn giao thông phức tạp, tập trung làm nhiệm vụ hướng dẫn, chỉ huy điều khiển giao thông. 

Theo Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng Phòng PC 67 Công an thành phố Hà Nội, đơn vị đã chỉ đạo từ chỉ huy đến cán bộ chiến sỹ phải kiên quyết xử lý nghiêm tất cả các trường hợp vi phạm giao thông. Đối với những cá nhân, tổ chức can thiệp vào công việc xử lý của cảnh sát giao thông, ngoài việc xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật với người, phương tiện vi phạm, cảnh sát giao thông ghi lại tên tuổi, địa chỉ... để báo cáo chỉ huy các cấp có trách nhiệm, xử lý, không để xảy ra tình trạng "nhờn luật". 

Theo Cảnh sát giao thông Hà Nội, từ đầu năm tới nay, lực lượng này đã xử lý 583.319 trường hợp vi phạm giao thông, tạm giữ gần 23.000 phương tiện và hơn 198.600 bộ giấy tờ, tước hơn 34.859 giấy phép lái xe.

Hiếu Trung (Tuoitrethudo)

Csgt Xử Lý Xe Khách Xử Phạt Bot

Google Tìm Xe Tìm đường tới Tìm Xe Hình ảnh Tìm Xe

MKRdezign

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.
Javascript DisablePlease Enable Javascript To See All Widget